Nội dung

I. Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì? 5 cột mốc phát triển của con

1. Vận động thô

2. Vận động tinh

3. Giấc ngủ

4. Thị lực

5. Sự phát triển cảm xúc

II. Bật mí cách chăm sóc bé 8 tháng phát triển khỏe mạnh

1. Xây dựng dinh dưỡng lành mạnh, giàu dưỡng chất

2. Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ 8 tháng

3. Chú ý vệ sinh răng miệng

4. Phát triển kỹ năng toàn diện cho bé

III. Lưu ý khi nuôi dạy và chăm sóc trẻ 8 tháng tuổi

 

Trước khi tìm hiểu kỹ hơn về trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì? Ba mẹ cần hiểu về một số chỉ số cân nặng và sự phát triển thể chất của bé. Trọng lượng trung bình của bé gái là 7,9kg và bé trai là 8,6kg, còn chiều dài của bé gái là khoảng 68,58cm và bé trai là 70,5cm. Sau giai đoạn 8 tháng tuổi, trọng lượng của con sẽ tăng từ 400-500g. Và chiều dài của bé sẽ tăng thêm 2cm cho đến khi đạt đến 12 tháng tuổi.

I. Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì? 5 cột mốc phát triển của con

Trẻ 8 tháng tuổi sẽ có những mốc phát triển thú vị khiến ba mẹ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thông thường, ở giai đoạn này, bé  hiếu động, muốn khám phá nhiều thứ nên khiến cho ba mẹ cảm thấy rất bận rộn. Bé thể hiện sự thích thú khi di chuyển nhiều hơn bằng việc bò, để tìm hiểu về môi trường xung quanh. 

Đặc biệt, bé thích di chuyển đến những ngóc ngách nhỏ trong ngôi nhà của mình. Cùng với đó, sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi có những điểm đáng chú ý như sau:

1. Vận động thô

  • Bé ở độ tuổi 8 tháng đã có khả năng tự ngồi dậy. Tuy nhiên, tư thế ngồi của bé đôi khi vẫn bị gập về phía trước. Nhưng hầu hết bé đã có khả năng sử dụng cả hai tay để chống đỡ cơ thể.
  • Khi bé nằm, con sẽ liên tục vận động và có thể nắm, giữ các đồ vật gần mình để đưa vào miệng. Tuy nhiên, bé thường không thích ở trong tư thế nằm ngửa và thường tự lật người.
  • Khi nằm ngửa, bé có khả năng cong lưng để có thể quan sát mọi thứ xung quanh.
  • Khi ở trong phòng, bé đã bắt đầu bò để đến những vị trí mong muốn hoặc thậm chí có thể ngồi lết để di chuyển.
  • Bé cũng có thể vịn vào vật để đứng. Nhưng để ngồi xuống, bé cần sự hỗ trợ từ người lớn.
  • Bé biết cách vươn tay để lấy đồ chơi và bắt đầu học cách cầm nắm hay nhặt đồ chơi.

Bé 8 tháng tuổi vịn vào vật để đứng

2. Vận động tinh

  • Ở độ tuổi 8 tháng, bé đã có khả năng sử dụng các ngón trong bàn tay để cầm khối xếp hình. Bé biết kết hợp giữa ngón cái và ngón trỏ để cầm và nhặt những vật nhỏ từ dưới đất lên.
  • Tuy nhiên, khi bé cầm nắm đồ chơi, tay bé thường hướng đến đồ chơi. Nhưng do chưa có ý thức đầy đủ, trẻ thường xuyên ném hoặc thả rơi đồ vật sau khi đã nắm được.

3. Giấc ngủ

  • Trẻ ở độ tuổi 8 tháng thường có nhu cầu ngủ khoảng 2-3 lần trong ngày, mỗi giấc kéo dài khoảng 1-3 tiếng.
  • Trẻ 8 tháng thường bắt đầu trải qua giai đoạn thức giấc giữa đêm. Trong trường hợp này, bé có thể tự nhiên  bật khóc và tự ngủ trở lại. Do đó, giai đoạn này, việc bé có những thay đổi trong giấc ngủ là điều bình thường. Và các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng, vì mọi thứ sẽ dần ổn định theo thời gian.

Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì?

4. Thị lực

  • Thị lực của trẻ ở độ tuổi 8 tháng có những bước phát triển đáng kể. Giai đoạn này, bé có khả năng nhìn tốt ở khoảng cách gần. Đồng thời, thị lực tầm xa của trẻ đủ tốt để nhận biết mọi người và sự vật hiện tượng xung quanh.
  • Trẻ 8 tháng tuổi có khả năng nhìn thấy đồ chơi ở khoảng cách xa và có thể bò đến lấy đồ vật đó.
  • Giai đoạn này, sự phối hợp giữa tay và mắt của bé trở nên khéo léo hơn. Trẻ thích khám phá chi tiết các đồ vật. Và trẻ tỏ ra thích thú trong việc ngắm nhìn các bức tranh một cách thú vị.

5. Sự phát triển cảm xúc

  • Trẻ ở độ tuổi 8 tháng đã phát triển khả năng nhận biết rõ ràng về những người thân quen xung quanh và thể hiện sự vui mừng khi gặp gỡ. Điều này cho thấy khả năng phân biệt giữa người quen và người lạ. Bên cạnh đó, trẻ cũng tỏ ra sợ hãi, khóc lớn khi phải tiếp xúc với những người xa lạ.
  • Bé thường có cảm giác sợ và lo lắng khi phải rời xa bố mẹ.
  • Trẻ thường thể hiện sự hiếu kỳ và phấn khích trước những đồ chơi mới. Bên cạnh đó, khi bé nhìn thấy bản thân trong gương, bé thể hiện sự thích thú và trò chuyện với chính mình trong gương.
  • Trẻ bắt đầu quan sát và bắt chước hành vi của người lớn. Ví dụ như khi người lớn đưa hai tay để gọi bé, bé sẽ cười và vươn tay ra để yêu cầu được bế.
  • Bé đã có khả năng nghe hiểu lời nói và cảm xúc của người lớn, có khả năng phân biệt tâm trạng của họ. Ví dụ, bé có thể phản ứng vui mừng khi được khen hoặc xuất hiện biểu hiện buồn, khóc khi bị mắng. 

Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì?

II. Bật mí cách chăm sóc bé 8 tháng phát triển khỏe mạnh

Để hỗ trợ con yêu phát triển tốt, phụ huynh cần biết cách chăm sóc và giáo dục trẻ phù hợp. Sau đây là những thông tin về dinh dưỡng, giấc ngủ và những kỹ năng nên dạy cho trẻ 8 tháng:

1. Xây dựng dinh dưỡng lành mạnh, giàu dưỡng chất

Từ tháng thứ 8, bé đã có thể ăn 2 - 3 bữa thức ăn đặc và bú khoảng 3 - 4 cữ một ngày. Trong đó, thực đơn ăn dặm cho bé cần đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: Bột đường (gạo tẻ trắng, gạo lứt, ngũ cốc, yến mạch), chất đạm (tôm, cá…), vitamin và khoáng chất (rau xanh, củ, quả mềm), chất béo (dầu ăn, dầu hạt cải, dầu gạo…). Điều này không những giúp bé ăn dặm ngon hơn, mà còn tránh tình trạng cung cấp quá nhiều một nhóm chất nào đó có thể gây áp lực lên hệ tiêu hóa.

Bên cạnh đó, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng lớn để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ 8 tháng, chiếm 400 - 500 calo cần thiết trong ngày. Vì thế, mẹ đừng quên kết hợp bổ sung sữa xen kẽ các bữa ăn dặm, khoảng 720ml/ngày chia làm 4 - 6 cữ.

Trẻ 8 tháng biết làm gì?

2. Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ 8 tháng

Trong quá trình tìm hiểu bé 8 tháng tuổi biết làm gì, phụ huynh có thể nhận thấy số giờ ngủ của con giảm dần, chỉ khoảng 13 - 14 giờ mỗi ngày. Do lúc này bé thường dành thời gian để chơi đùa và khám phá mọi thứ nên thường ít buồn ngủ hơn. Song, để con phát triển khỏe mạnh mẹ vẫn cần đảm bảo con có 2 - 3 giấc ngủ ngắn vào ban ngày nhé!

3. Chú ý vệ sinh răng miệng

8 tháng tuổi cũng là thời điểm trẻ bắt đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên. Vì thế, sau mỗi bữa ăn mẹ hãy cho trẻ uống một chút nước ấm giúp làm sạch khoang miệng; đồng thời thay thế dần bình bú bằng cốc uống sữa có tay cầm, để không làm ảnh hưởng đến khung răng của con.

Vệ sinh răng miệng cho bé

4. Phát triển kỹ năng toàn diện cho bé

Để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ, phụ huynh có thể cho bé thực hiện một số hoạt động như sau:

  • Ba mẹ thường xuyên vui chơi với con, thông qua các hoạt động như đọc truyện, hát ca, chơi trò giấu đồ, làm mặt cười, ú òa…
  • Cho bé tham gia nhiều trò chơi, tạo không gian vui chơi an toàn cho bé thỏa sức leo trèo. 
  • Tăng cường kiến thức về thế giới xung quanh bằng cách cho trẻ xem sách với những hình ảnh đa dạng, nhiều màu sắc như sách về động vật, đồ chơi. Đồng thời, ba mẹ chỉ vào hình ảnh để miêu tả bằng những âm thanh sinh động cho bé. Cách này thu hút sự chú ý và giúp bé nhớ lâu hơn.
  • Để kích thích thính giác của bé, hãy cho bé chơi đồ chơi liên quan đến âm nhạc, những nhạc cụ có màu sắc đa dạng hoặc thường xuyên mở những bản nhạc sôi động phù hợp với lứa tuổi của con.

Phát triển kỹ năng toàn diện cho bé 8 tháng tuổi

III. Lưu ý khi nuôi dạy và chăm sóc trẻ 8 tháng tuổi

Trong quá trình chăm sóc và phát triển cho trẻ 8 tháng tuổi, các bậc phụ huynh nên lưu ý đến những điểm sau đây:

  • Bảo đảm ngôi nhà được che chắn đầy đủ khi bé đã biết bò. Mục đích là tránh bé bò ra khỏi nhà hoặc tiếp cận đến những vật dụng nguy hiểm.
  • Đặt tất cả các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm và hóa chất độc hại ở những nơi an toàn, nằm ngoài tầm với của bé.
  • Thường xuyên vệ sinh đồ chơi của bé.
  • Theo dõi sự tăng trưởng cân nặng và chiều cao của trẻ theo biểu đồ tiêu chuẩn. Hãy đưa trẻ đến bác sĩ nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình phát triển của con.
  • Đảm bảo trẻ nhận đủ các liều vacxin cần thiết trong giai đoạn này, bao gồm cả vaccine phòng bệnh cúm, hô hấp, viêm màng não...

Lời kết: Qua bài viết, chắc hẳn các bậc phụ huynh đã có những hình dung rõ hơn về vấn đề “trẻ 8 tháng biết làm gì?”. Đồng thời cũng có thêm những kiến thức quan trọng trong việc chăm sóc trẻ 8 tháng tuổi tốt hơn. Chúc cho bé yêu của bạn sẽ khôn lớn khỏe mạnh và trở thành một em bé thông minh, hoạt bát.

>>>Theo dõi ngay trang tin tức của chúng tôi để cập nhật những thông tin hữu ích nhé!